LỄ KỶ NIỆM 79 NĂM QUỐC KHÁNH TẠI UCRAINA

Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), chiều 31/8/2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina đã long trọng tổ chức buổi hoà nhạc với các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam và Ucraina để chào mừng.

Buổi lễ được tổ chức tại Học viện Âm nhạc quốc gia Tchaikovsky ở Thủ đô Kyiv.

7.JPG

Tham dự buổi lễ, về phía Đại sứ quán có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Nguyễn Hồng Thạch cùng phu nhân và toàn thể cán bộ, phu nhân/phu quân của các cơ quan đại diện Việt Nam ở Ucraina.

Về phía khách mời có: Đại diện Bộ Ngoại giao Ucraina; hơn 40 Đại sứ/Đại biện các Đại sứ quán nước ngoài đóng tại Thủ đô Kyiv; đại diện chính quyền thành phố Kyiv; Đại diện Hội Nghị sĩ hữu nghị, Hội cựu chiến binh Ucraina trong chiến tranh Việt Nam, Hội Hữu nghị Ucraina-Việt Nam; Hội Hoạ sỹ, Hội Tri thức, một số trường đại học, cơ quan báo chí và bạn bè Ucraina yêu mến Việt Nam.

Buổi lễ được bắt đầu bằng lễ cử hành Quốc ca Việt Nam và Ucraina.

1.JPG

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Hồng thạch bày tỏ vui mừng khi buổi lễ được đông đảo quan khách quan tâm tham dự. Đại sứ nhấn mạnh, vào những ngày tháng Tám năm 1945, khi người Pháp ở Việt Nam suy yếu và người Nhật đứng trước thất bại, nhân dân Việt Nam đã đứng lên làm cuộc cách mạng giành độc lập. Cách mạng đã giành thắng lợi và ngày 2/9/1945, Việt Nam tuyên bố độc lập. Vào thời điểm đó, một cựu thuộc địa không dễ dàng được công nhận là một quốc gia độc lập. Vì vậy, nhân dân Việt Nam đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm để bảo vệ nền độc lập của mình. Chỉ có chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm mới thuyết phục được các nước thực dân rằng đã đến lúc phải công nhận độc lập cho các nước thuộc địa.

2.JPG

Đại sứ lưu ý, Chiến tranh lạnh trong những thập niên sau đó cũng ảnh hưởng đến Việt Nam khi không may trở thành chiến trường nóng bỏng của cuộc chiến tranh lạnh tồn tại giữa hai chế độ trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà chiến tranh ở Việt Nam kết thúc vào năm 1973, ở thời điểm hai khối bắt đầu tiến trình hoà hoãn.

Đại sứ cho rằng những gì đã xảy ra trong quá khứ với Việt Nam trong nhiều thập niên đã để lại ít nhất hai bài học cho thế giới ngày nay. Thứ nhất, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia lớn hay nhỏ đều phải được tôn trọng. Thứ hai, chiến tranh lạnh và/hoặc sự cạnh tranh giữa các cường quốc chỉ mang lại khổ đau cho các nước nhỏ bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh đó.

Đại sứ cho rằng những bài học lịch sử rất thực tế và có thể hữu ích trong việc mang lại hòa bình cho đất nước Ucraina xinh đẹp.

3.JPG

Chia sẻ về nhiệm kỳ Đại sứ gần 4 năm ở Ucraina, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch bày tỏ vui mừng được trở lại nơi đã từng học khoa dự bị cách đây hơn 40 năm; nhấn mạnh Việt Nam và Ucraina có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời hơn rất nhiều so với quan hệ ngoại giao 32 năm. Hai nước đã giúp đỡ nhau trong cả thời chiến cũng như thời kỳ xây dựng đất nước. Hàng chục nghìn người Việt Nam đã học tập và làm việc tại Ucraina, trong đó có Nhạc sĩ Doãn Nho ngày hôm nay có tác phẩm được trình diễn.

Hàng nghìn chuyên gia và cố vấn quân sự Ucraina đã phục vụ tại Việt Nam và nhiều người trong số đó hôm nay đang có mặt. Hàng nghìn người Việt Nam đã chọn Ucraina là quê hương thứ hai và ở lại sau những năm học tập và làm việc. Việt Nam có một cộng đồng người Việt mạnh mẽ ở Ucraina. Tất cả những điều đó nói lên rằng giữa hai nước có tình bạn truyền thống bền chặt không phải trên lời nói mà là thực tế.

4.JPG

Đại sứ lưu ý, chiến tranh cản trở rất nhiều sự hợp tác giữa hai nước nhưng không thể ngăn được hợp tác. Thương mại giữa Việt Nam và Ucraina đã giảm sau khi chiến tranh nổ ra nhưng bắt đầu tăng lên, trao đổi đoàn bắt đầu diễn ra sôi động. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Zelenskyy hai lần tại các sự kiện quốc tế. Ngoại trưởng Dmitri Kuleba cũng đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tại một cuộc họp ASEAN. Đặc biệt, theo kế hoạch vào cuối tháng 9 tới, Ngài Sybiga, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Ucraina sẽ đến Việt Nam để tham vấn chính trị và đồng thời Thứ trưởng Bộ Kinh tế Taras Kachka cũng sẽ đến thăm Việt Nam để thảo luận về quan hệ kinh tế song phương. Việt Nam tin chắc rằng hợp tác hai bên sẽ được thúc đẩy.

Cuối bài phát biểu, Đại sứ trân trọng cảm ơn cá nhân Nhạc trưởng Vladimir Vrublevskyy và các nhạc công đã phối hợp tổ chức đêm nhạc; chúc tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ucraina ngày càng bền vững và mong hòa bình sẽ sớm trờ lại với đất nước Ucraina xinh đẹp.

5.JPG

Trong phần biểu diễn âm nhạc, gần 300 quan khách tham dự buổi lễ đã lần lượt được nghe trình diễn 4 tác phẩm của Nhạc sỹ Doãn Nho, gồm: Tháng Tám lịch sử, Có một Thăng Long, Thánh Gióng, Chiếc khăn Piêu và 7 tác phẩm của các nhạc sỹ Ucraina, gồm: Điệu Waltz từ biệt (Mykola Lysenko), Natalka (trong vở opera "Natalka Poltavka", Mykola Lysenko), Tôi nhìn bầu trời (Dân ca Ucraina), Bài ca Odarka (trong vở opera "Cossack Beyond the Danube"), Mẹ thân yêu (lời Andriy Malyshko, nhạc Platon Maiboroda), Hai sắc màu (Oleksandr Bilash), Hành khúc của người Cossack Zaporizhian.

Các tác phẩm trên do Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia và Dàn nhạc thính phòng Quốc gia Ucraina biểu diễn dưới sự chỉ đạo của Nhạc trưởng Vladimir Vrublevskyy.

6.JPG

Cũng tại buổi lễ, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã tổ chức truy tặng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam cho bà Maya Dmitrievna Kashel, dịch giả, nhà thơ Ucraina vì đã có những đóng góp quan trọng trong việc chuyển ngữ và truyền bá văn học Việt Nam tới bạn bè Ucraina. Bà là tác giả đã dịch sang tiếng Ucraina truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Đại diện cho gia đình cố nhà thơ Kashel lên nhận Huân chương, bà Leokadia Gerasimenko, Chủ tịch Hội phụ nữ Ucraina, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Ucraina-Việt Nam bày tỏ xúc động trước sự quan tâm, ghi nhận của Việt Nam đối với những đóng góp của cố nhà thơ. Bà cho rằng việc truy tặng Huân chương là sự động viên tinh thần to lớn không chỉ đối với gia đình cố dịch giả Maya mà còn là nguồn cổ vũ những nỗ lực góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước. Bà mong muốn nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục yêu mến nhân dân Ucraina và nhân dân Ucraina cũng tiếp tục quý trọng nhân dân Việt Nam.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng và đầm ấm, chân tình. Cuối buổi lễ, Đại sứ quán đã tổ chức chiêu đãi quan khách ẩm thực của Việt Nam./.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​